CHUYÊN ĐỀ:
NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ SƠ THẨM
Người biên soạn: Đinh Văn Long
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh
I. NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ
1. Khái niệm hồ sơ vụ án hình sự:
Theo Điều 131 BLTTHS, khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án. Hồ sơ vụ án hình sự bao gồm các văn bản tố tụng cùng các tài liệu, văn bản được thu thập trong quá trình điều tra. Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, hồ sơ vụ án hình sự là tập hợp hệ thống các văn bản, tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập và xây dựng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, được sắp xếp theo một trình tự nhất định phục vụ cho việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài
2. Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:
2.1.Mục đích:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là yếu tố quan trọng để nắm vững nội dung vụ án, tạo tính chủ động và góp phần nâng cao tranh tụng tại phiên tòa. Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự nhằm nắm rõ nội dung vụ án, để từ đó có hướng giải quyết vụ án.
2.2. Yêu cầu:
Các tình tiết trong vụ án luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để nắm rõ được nội dung vụ án, đòi hỏi phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có hệ thống và khoa học toàn bộ các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra đã có trong hồ sơ. Trước hết, cần nghiên cứu từng tài liệu riêng lẻ kết hợp so sánh với các tài liệu, chứng cứ khác để tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Từ đó, tổng hợp lại để phát hiện sự hợp lý hoặc những điểm mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ nhằm đánh giá sự tin cậy của các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập.
2.3. Nội dung nghiên cứu:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự phải làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 BLTTHS:
“1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
- Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
- Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
- Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, khi nghiên cứu cũng phải xem xét các vấn đề sau:
+ Vụ án có thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp mình xét xử hay không?
+ Có cần xử lý vật chứng hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm việc bồi thường thiệt hại trước khi xét xử không?
+ Các thủ tục trong điều tra, truy tố đã đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật hay không?
+ Có cần thiết áp dụng, thay đổi, hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo (các bị cáo) hay không?
+ Hành vi của bị cáo (các bị cáo) có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm không; tội danh và điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố có phù hợp không?
+ Bị can, bị cáo bị truy tố về khung hình phạt như thế nào? Có là người dưới 18 tuổi không? Có nhược điểm về tâm thần hay thể chất không? để khi ra Quyết định xét xử chú ý về thành phần Hội đồng xét xử, người bào chữa, người đại diện…
+ Có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không?
2.4. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:
Có nhiều phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn của người nghiên cứu. Thông thường có hai phương pháp nghiên cứu hồ sơ, đó là:
* Thứ nhất; Phương pháp nghiên cứu theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ quyết định khởi tố đến kết luận điều tra, đến cáo trạng, gồm các nhóm tài liệu sau:
– Nhóm tài liệu mang tính tố tụng, gồm:
+ Quyết định khởi tố vụ án;
+ Quyết định khởi tố bị can;
+ Các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn;
+ Các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát;
+ Kết luận điều tra;
+ Bản cáo trạng;
– Nhóm tài liệu mang tính chứng cứ, gồm:
+ Vật chứng;
+ Lời khai, lời trình bày của bị can và những người tham gia tố tụng khác;
+ Dữ liệu điện tử;
+ Kết luận giám định, định giá tài sản;
+ Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
+ Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
+ Các tài liệu, đồ vật khác …
Phương pháp nghiên cứu này có ưu điểm là người nghiên cứu không bị chi phối vào quan điểm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là mất nhiều thời gian nghiên cứu mới nắm được đầy đủ nội dung vụ án, vì không tận dụng được tối đa kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã tổng hợp đưa ra kết luận.
* Thứ hai; Phương pháp nghiên cứu không theo trình tự tố tụng: Bắt đầu từ cáo trạng rồi đến các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án theo trình tự ngược lại về mặt thời gian để kiểm tra tính xác thực và đúng đắn của quyết định truy tố. Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm được thời gian, vì tận dụng được kết quả nghiên cứu tổng hợp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhưng có nhược điểm là người nghiên cứu dễ bị ảnh hưởng quan điểm của Cơ quan điều tra, của Viện kiểm sát dẫn đến có định kiến và hay áp đặt ý thức chủ quan vào việc giải quyết vụ án, dễ bị lệ thuộc vào các tình tiết mang tính buộc tội của Viện kiểm sát.
II. KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ
2.1. Kiểm tra hồ sơ: Trước khi nghiên cứu nội dung vụ án, cần kiểm tra hồ sơ vụ án:
-Đối chiếu các tài liệu trong hồ sơ vụ án với danh mục thống kê trong tài liệu có đủ không. Nếu phát hiện thiếu thì phải kiểm tra để giải quyết ngay, nếu người nghiên cứu là Hội thẩm nhân dân hoặc Thẩm phán tham gia xét xử thì báo ngay cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án để giải quyết.
– Kiểm tra các tài liệu về thủ tục tố tụng đã đầy đủ và đúng thủ tục chưa.
2.2. Nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án:
Khi nghiên cứu bất cứ tài liệu, chứng cứ nào trong hồ sơ vụ án cũng phải kiểm tra, đánh giá về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chúng. Việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ về vụ án chỉ tiến hành sau khi nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Lưu ý, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự đối với các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của một người nào đó, cần phải chứng minh rõ những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS đó là:
Thứ nhất: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
Thứ hai: Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không (chúý tuổi, năng lực thể chất); mục đích, động cơ phạm tội;
Thứ ba: Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
Thứ tư: Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;
Thứ năm: Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
Thứ sáu: Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt theo quy định tại cácđiểm khoảnđiều của BLHS như:
Theo quy định tại Điều 86 BLTTHS thì: “chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo một trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: vật chứng; lời khai, lời trình bày của bị hại, những người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, bị can, bị cáo; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản về hoạt động điều tra và các tài liệu, đồ vật khác…
Chính vì vậy, khi nghiên cứu các chứng cứ này cần phải nghiên cứu hết sức cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết vàtheo một trình tự nhất định để có đánh giá đúng, khách quan về vụán.
Thông thường khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự theo phương pháp nghiên cứu thứ hai “nghiên cứu hồ sơ khôngtheo trình tự tố tụng” cần tiến hành theo trình tự các nhóm tài liệu sau:
* Nghiên cứu bản Cáo trạng:
Cáo trạng là cơ sở pháp lý để Tòa án xét xử vụ án; vì vậy cần nghiên cứu kỹ bản cáo trạng để nắm vững nội dung vụ án và xác định giới hạn xét xử, cụ thể:
– Các hành vi phạm tội cụ thể của từng bị cáo mà Viện kiểm sát đã xác định trong cáo trạng để truy tố.
– Các chứng cứ mà VKS làm căn cứ xác định tội phạm và người phạm tội
– Tội danh và điều khoản của BLHS mà VKS truy tố các bị can.
– Những tình tiết định khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can.
– Mức độ thiệt hại và yêu cầu cụ thể về bồi thường thiệt hại (nếu có).
* Nghiên cứu kết luận điều tra:
Nghiên cứu kết luận điều tra và đối chiếu với cáo trạng để nắm được diễn biến của hành vi phạm tội, các chứng cứ mà cơ quan điều tra sử dụng để chứng minh tội phạm và người phạm tội; kết luận và đề nghị của cơ quan điều tra về hướng giải quyết vụ án. Cần so sánh những điểm khác nhau giữa kết luận điều tra và cáo trạng (về các hành vi phạm tội, diện truy tố; tội danh và điều khoản BLHS áp dụng; các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đề nghị áp dụng đối với từng bị can và lý do của sự khác nhau đó) để có hướng giải quyết các mâu thuẫn khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu khác.
* Nghiên cứu các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng:
Sau khi nghiên cứu bản Cáo trạng và Kết luận điều tra thì nghiên cứu đến các tài liệu về lời khai của những người tham gia tố tụng như: Đơn của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; lời trình bày của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; lời khai của những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; biên bản ghi lời khai của người bị tạm giữ, bị can, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người chứng kiến, người đại diện hợp pháp của bị can, bị hại (nếu có), biên bản đối chất và các tài liệu khác.
– Nghiên cứu đơn của người tố giác, báo tin tội phạm, kiến nghị khởi tố:
Cần phải nghiên cứu kỹ nội dung báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố xem nội dung báo tin về tội phạm gì, ai là người bị kiến nghị khởi tố? từ đó đối chiếu với kết quả điều tra xem quá trình điều tra đã thu thập được những vấn đề gì từ tin báo đó và có phù hợp với tin báo không? để có cơ sở đánh giá tính đúng đắn của tin báo tội phạm.
– Nghiên cứu lời trình bày của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố:
Khi nghiên cứu lời trình bày của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, chúng ta cần nghiên cứu tỉ mỉ lời trình bày của họ trước việc họ bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, họ thừa nhận hay không thừa nhận việc bị tố giác, lý do của việc thừa nhận hoặc không thừa nhận. Quá trình triệu tập và lấy lời khai đối với họ của cơ quan điều tra có tuân thủ đúng quy định của BLTTHS không?
– Nghiên cứu lời khai của bị can:
Lời khai của bị can là một trong những chứng cứ trực tiếp để xác định sự thật về vụ án. Việc nghiên cứu lời khai (bao gồm cả bản tường trình, bản tự khai, bản kiểm điểm) của bị can cần tiến hành theo trình tự lấy lời khai của bị can và cần xác định rõ những hành vi phạm tội nào (nêu trong cáo trạng) bị can thừa nhận và những hành vi nào không thừa nhận hoặc thay đổi lời khai.
Động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội;
Mức độ ăn năn hối cải và thái độ khai báo của bị can trong quá trình điều tra; các lý lẽ, chứng cứ mà bị can đưa ra để bào chữa cho mình cũng như những điểm mâu thuẫn trong các lời khai của bị can. Nếu vụ án có nhiều bị can thì trong quá trình nghiên cứu lời khai của các bị can cũng cần chú ý lời khai của các bị can có đồng nhất với nhau không hay có mâu thuẫn với nhau. Cần hết sức chú ý và nghiên cứu toàn diện tất cả các tình tiết thể hiện trong lời khai của bị can.
Khi nghiên cứu lời khai của bị can cần kiểm tra sự tuân thủ tố tụng của cơ quan điều tra để đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ, cụ thể:
+ Bị can có được giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 BLTTHS hay không (đặc biệt là quyền bào chữa của bị can trong trườnghợp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, người có nhược điểm về thể chất tâm thần hoặc phạm tội bị truy tố về tội mà mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là từ 20 năm tù, tù chung thân, tử hình theo quy định tại khoản 1 Điều 76BLTTHS)…Việc ký xác nhận của bị can có đúng quy định không? Việc tẩy xóa, sửa chữa biên bản hỏi cung bị can có chữ ký xác nhận của bị can hay không?…
+ Đối với lời khai của bị can, cần chú ý xem nội dung của các lời khai của từng bị can có giống nhau không? Nếu lời khai và biên bản mà biên bản ghi lời khai nào cũng giống nhau thì cần xem xét vì sao lại có sự giống nhau hoặc các lời khai của các bị can trong vụ án có sự trùng lặp, giống nhau thì cần nghiên cứu các tình tiết khác trong vụ án để đánh giá sự giống nhau trong các lời khai là có căn cứ hay không, từ đó đánh giá sự xác thực của các lời khai trong việc sử dụng các lời khai làm chứng cứ buộc tội hay gỡ tội.
-Nghiên cứu lời khai của bị hại:
Trong các vụ án hình sự, thường bị hại là người trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội; nghiên cứu lời khai của bị hại giúp chúng ta nắm vững được diễn biến của vụ án cũng như các hành vi phạm tội mà bị can đã thực hiện, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và yêu cầu bồi thường của họ. Khi nghiên cứu lời khai của bị hại, chúng ta cần nghiên cứu theo trình tự thời gian mà họ trình bày, cách mô tả hành vi phạm tội của bị cáo xem có sự mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập hay không?
-Nghiên cứu lời khai của người chứng kiến:
Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định. Sự có mặt của người chứng kiến còn có ý nghĩa để xác định các hoạt động điều tra, truy tố có giá trị pháp lý hay không, bởi vì người chứng kiến là người được mời tham dự hoạt động điều tra và có trách nhiệm xác nhận nội dung kết quả công việc điều tra. Vì vậy, khi nghiên cứu hồ sơ cần chú ý những nội dung của các biên bản tố tụng như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản phạm tội quả tang, biên bản khám xét … nếu có mâu thuẫn về nội dung trong các biên bản này thì cần hỏi tại phiên tòa đối với người chứng kiến để làm rõ.
-Nghiên cứu lời khai của người làm chứng:
Nghiên cứu lời khai của người làm chứng cũng tiến hành theo trình tự thời gian lấy lời khai nhằm xác định:
+ Đánh giá độ tin cậy, tính chính xác trong lời khai của họ và xác định họ khai về những tình tiết cụ thể nào trong vụ án và vì sao họ biết được;
+ Họ trực tiếp chứng kiến hay gián tiếp biết về vụ việc thông qua nguồn tin nào khác;
+ Mối quan hệ giữa họ với người phạm tội và bị hại;
+ Điều kiện khách quan (thời gian, không gian, địa điểm) và điều kiện chủ quan (độ tuổi, nghề nghiệp, khả năng tiếp nhận thông tin ….) của người làm chứng (để đối chiếu với các chứng cứ khác).
* Nghiên cứu biên bản đối chất:
Khi nghiên cứu phải chú ý đến cách đặt vấn đề của người hỏi và trả lời của người được hỏi (tất cả các bên) giúp cho chúng ta có thêm cơ sở để đánh giá độ tin cậy trong các lời khai còn mâu thuẫn, để từ đó xác định được chứng cứ nào là khách quan, chứng cứ nào là không khách quan. Trên cơ sở đó rút ra được những điểm đã thống nhất giữa những người đối chất và những điểm còn mâu thuẫn cần tiếp tục khắc phục bằng các chứng cứ tài liệu khác.
*Nghiên cứubiên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, niêm phong ….
* Nghiên cứu lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện hợp pháp của bị can, bị hại.
Nghiên cứu lời khai của những người tham gia tố tụng này cũng tương tự như nghiên cứu lời khai của người bị hại, chúng ta cần xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ trong vụ án, các chứng cứ xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của họ, để có cơ sở giải quyết đúng đắn các vấn đề về dân sự.
* Nghiên cứu tài liệu về nhân thân bị can.
Nghiên cứu lý lịch bị can; thông báo kết quả tra cứu; các tài liệu về tiền án, tiền sự, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, các bản án đã xét xử và quyết định xử lý vi phạm hành chính (nếu có) và kết quả thi hành án để xác định tiền án, tiền sự. Đối chiếu với các nghị quyết của Quốc hội về thi hành các Bộ luật sau khi sửa đổi và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao để xem có thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích hay không?
* Nghiên cứu các tào liệu về nhân thân bị hại
Nghiên cứu tài liệu chứng minh về độ tuổi của bị hại dưới 18 tuổi: theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXHngày 21-12-2018 thì việc xác định tuổi của người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: Giấy chứng sinh; Giấy khai sinh; Chứng minh nhân dân; Thẻ căn cước công dân; Sổ hộ khẩu; Hộ chiếu; Kết luận giámđịnh.
Nghiên cứu giấy chứng nhận của cơ quan y tế về tình trạng thai nghén nếu bị hại là phụ nữ có thai.
* Nghiên cứu các tài liệu về khởi tố vụ án, khởi tố bị can:
Nghiên cứu biên bản tự thú của người có hành vi phạm tội, các biên bản xác minh của cơ quan điều tra; quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can; quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can (nếu có), các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát; quyết định tách, nhập vụ án (nếu có).
* Nghiên cứu các tài liệu về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn:
Nghiên cứu biên bản bắt người phạm tội quả tang; lệnh tạm giữ, gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam, các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát, quyết định truy nã, quyết định đình nã, công văn đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm giam …
*Nghiên cứu các tài liệu về kết quả điều tra
Nghiên cứu lệnh khám xét, các biên bản khám xét, thu giữ vật chứng, bàn giao vật chứng, khám nghiệm hiện trường, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; sơ đồ hiện trường; bản ảnh hiện trường; lệnh kê biên và các biên bản kê biên tài sản, niên phong và mở niêm phong lấy mẫu giám định; biên bản bàn giao mẫu giám định, quyết định trưng cầu giám định; quyết định trả lại tài sản; biên bản giao nhận tài sản.
Khi nghiên cứu các tài liệu này, chúng ta kiểm tra việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và tiến hành các hoạt động tố tụng này của cơ quan điều tra, như: thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, việc ký xác nhận biên bản … Đối với vật chứng thu giữ thì cách thức và nơi tìm ra vật chứng, các đặc điểm của vật chứng, so sánh vật chứng với các chứng cứ khác để xác định sự thật khách quan.
* Nghiên cứu kết luận giám định, kết luận định giá:
Cần kiểm tra, xem xét các tài liệu đồ vật mà cơ quan giám định đã xem xét để đưa ra kết luận giám định.
Xem xét thẩm quyền của cơ quan giám định, tính hợp pháp của kết luận giám định. Đối chiếu kết luận giám định với nội dung yêu cầu giám định và chứng cứ, tài liệu khác của vụ án để xác định độ chính xác, khách quan của kết luận giám định. Có cần thiết phải giám định bổ sung hoặc giám định lại hay không.
Đối với kết luận định giá tài sản, được quy định mới tại Điều 101 của BLTTHS 2015,kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản. Theo quy định tại điều 69 của BLTTHS 2015 thì người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, đây cũng là quy định mới của BLTTHS so với trước đây.
Trong thực tế đã có trường hợp định giá không đúng đối tượng, như vụ án Huỳnh Văn Khôi bị xét xử về tội: “Trộm cắp tài sản”, bị cáo trộm cắp 03 con trâu, nhưng Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự lại định giá 300kg thịt trâu trị giá 49.500.000 đồng, để qui ra giá tương ứng với 03 con trâu là không đúng đối tượng tài sản bị cáo đã chiếm đoạt, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã sử dụng kết quả định giá này làm chứng cứ kết tội bị cáo theo khoản 1 Điều 138 BLHS 1999 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, do đó vụ án này đã bị kháng nghị giám đốc thẩm và đã xử hủy để điều tra, truy tố và xét xử lại.
Bên cạnh việc nghiên cứu những tài liệu chính liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự, thì cũng cần nghiên cứu các nhóm tài liệu khác như: các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần; quyết định truy nã; tài liệu điều trại của bị cáo; quyết định tạm đình chỉ vụ án; quyết định tách vụ án; quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án; quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; quyết định phục hồi điều tra; các tài liệu về kết thúc điều tra, các tài liệu về kết thúc truy tố. Trường hợp vụ án đã bị Tòa án cấp trên hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại nghiên cứu hồ sơ vụ án đã xét xử trước khi bị hủy và các tài liệu phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm trước đây, như: kháng cáo, kháng nghị, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm…
III. TRÍCH TIỂU HỒ SƠ
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa cũng như Hội thẩm nhân dân cần trích một tiểu hồ sơ phục vụ cho công tác xét xử tại phiên tòa.
Khi nghiên cứu cần ghi chép lại những vấn đề sau đây về vụ án:
-Tên vụ án và các bị cáo trong vụ án;
-Những vấn đề về thủ tục tố tụng cần chú ý như: các vi phạm thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra, VKS trong việc lấy lời khai, thu giữ vật chứng …
– Trích các nguồn chứng cứ của vụ án:
Tóm tắt nội dung vụ án, sự khác nhau giữa cáo trạng và kết luận điều tra (nếu có);
Ghi số bút lục và tóm tắt nội dung của các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; những điểm mau thuẫn giữa các chứng cứ …
Các chứng cứ về các tình tiết định khung tăng nặng; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, các tài liệu khác về nhân thân của bị cáo…
Các chứng cứ về bồi thường thiệt hại; các khoản đã chi phí, bồi thường, lời khai của bị hại;
Các chứng cứ về tình hình tài sản của người phạm tội (nếu tội phạm có hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản); các tài sản được kê biên, niêm phong…
Bản trích phải ngắn gọn và tiện cho việc sử dụng, phản ánh đầy đủ về thủ tục tố tụng, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án và những điểm cần chú ý khi lập kế hoạch xét hỏi.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Bộ luật Hình sự 1999; 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Sổ tay thẩm phán (xuất bản lần thứ hai có sửa đổi bổ sung);
- Giáo trình Tố tụng hình sự;
- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT;
- Giáo trình kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự của Học viện Tư pháp;
- Công văn 64 của TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến.