Giới thiệu các kiểu mô hình tranh tụng trong tố tụng hình sự

Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị xác định: “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”, định hướng chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 02/6/2005 Bộ chính trị ra Nghị quyết số 49-NQ/TW có nội dung: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Trong nội dung bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu đến bạn đọc một số mô hình tranh tụng trong tố tụng hình sự. Về bản chất tranh tụng trong tố tụng hình sự có thể được hiểu là quá trình đấu tranh giữa các quan điểm, lập luận về vụ án giữa các chủ thể của bên buộc tội và bên bào chữa tham gia vào quá trình tố tụng hình sự nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án nhưng quá trình tranh tụng không đồng nhất với quá trình tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng: tranh tụng là một quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án đồng thời cũng là phương tiện để đạt được mục đích và nhiệm vụ đặt ra của tố tụng hình sự. Còn theo từ điển Tiếng việt thì “Tranh tụng nghĩa là kiện tụng”. Dưới đây là một số mô hình tranh tụng mà chúng tôi tổng hợp, giới thiệu đến bạn đọc;

1. Tranh tụng trong kiểu mô hình tố tụng xét hỏi.

Bất kỳ một hệ thống pháp luật nào, pháp luật của nhà nước nào cũng đều thể hiện tính giai cấp sâu sắc. Giai cấp cầm quyền chủ yếu sử dụng pháp luật để bảo vệ lợi ích cho giai cấp mình và toàn xã hội như một công cụ chính, chủ yếu nhất. Pháp luật tố tụng hình sự thuộc hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, châu Âu lục địa hay pháp luật xã hội chủ nghĩa, pháp luật tôn giáo cũng vậy. Họ sử dụng pháp luật để bảo vệ giai cấp tư sản, của hoàng gia, của nhân dân lao động và của tôn giáo tương ứng.

Vấn đề tranh tụng cũng vậy, tuy có thừa nhận hay không thừa nhận là nguyên tắc nhưng tranh tụng tại phiên tòa vẫn ngầm xuất hiện mặc dù bị hạn chế rất nhiều và cách thức thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác. Mô hình tố tụng hình sự xét hỏi xuất hiện từ thời Chiếm Hữu Nô Lệ. Nhưng theo thời gian nó cũng chịu ảnh hưởng của môi trường, thời đại nên cũng thay đổi dần dần. Mãi đến đầu thế kỷ 19 thì không còn nguyên bản của nó nữa. ở kiểu mô hình tố tụng này, trong gia đoạn đầu tiến hành tố tụng do một người làm việc từ đầu đến cuối nên không đảm bảo tính khách quan mà nhiều trường hợp áp đặt chủ quan. Lúc đó cho phép dùng nhục hình đến khi nào bị can, bị cáo nhận tội thì kết luận. Về sau này tuy có biến đổi nhiều, song môi trường để các bên tranh tụng tự do, sự thật khách quan dựa trên kết quả tranh tụng vẫn chưa được ghi nhận nhiều. Dưới đây là một phiên xét hỏi dạng đặc thù của mô hình này ở Nigiêria:

“TP: Nhất định là anh đang phóng quá tốc độ khi gây tai nạn?

BC: Không, thưa tòa.

TP: Vậy thì, chắc hẳn phải đang say. Những người như anh thường uống rượu và hút thuốc như điên.

BC: Không, thưa tòa.

TP: Im ngay. Đồ nói dối!” (trích Cole; 1990; tr.374).

Ở đây tòa án rất chủ động trong vấn đề tranh tụng, tạo nên sự lấn sân, bao gồm cả chức năng buộc tội. Vì thế việc tranh tụng giữa các bên bị giảm đi rõ rệt. Tố tụng xét hỏi rất đề cao vai trò của thẩm phán. Thẩm phán còn có quyền chỉ đạo việc điều tra. Tại các phiên tòa, thẩm phán là người tích cực xét hỏi bị cáo, người bị hại, nhân chứng,… để tìm ra sự thật của vụ án, thủ tục này được xem như là tiếp tục điều tra, điều tra công khai tại phiên tòa. Trong mô hình tố tụng này, cơ quan công tố có vai trò lớn, quyền hạn lớn hơn trong tố tụng tranh tụng. Cụ thể họ truy tố bị can, bảo vệ lợi ích chung, có quyền chỉ đạo công tác điều tra, giám sát việc thực hiện pháp luật,… Trong tố tụng xét hỏi, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chiếm một vị trí quan trọng. Việc xét xử tại phiên tòa với mục đích chủ yếu là thẩm định lại những chứng cứ đã có do cơ quan điều tra, viện kiểm sát thu thập trước đó. Từ đó việc tranh tụng tại phiên tòa sẽ bị hạn chế rất nhiều.

2. Tranh tụng trong kiểu mô hình tố tụng tranh tụng.

Kiểu mô hình tố tụng tranh tụng xuất hiện đâu tiên ở Anh khoản từ thế kỷ 13-14. Sau đó áp dụng ở các nước thuộc địa của Anh. Đây là một kiểu mô hình tố tụng được nhiều học giả cho rằng: rất coi trọng quyền con người, đảm bảo quyền bình đẳng, sự thắng hoặc thua các bên phải tranh giành nhau. Họ xem nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự không chỉ là một khái niệm pháp lý – thành tựu khoa học pháp lý mà còn là thành tựu của nền văn minh nhân loại, thể hiện bản chất và xu hướng phát triển dân chủ, nhân đạo và tiến bộ của tố tụng hình sự.

Vấn đề tranh tụng tại phiên tòa ở đây diễn ra một cách tự nhiên và sòng phẳng. Tòa án chỉ đóng vai trò là trọng tài. Chứng cứ do các bên thu thập và đề xuất. Việc đánh giá chứng cứ một cách tự do không bị phụ thuộc bởi các công thức được quy ước. Tuy nhiên ở đây còn đề cao sự nhận tội của bị cáo. Một khi bị cáo nhận tội thì xem như họ đã từ chối tranh tụng. Khi đó Tòa án có thể chuyển sang phần nghị án và tuyên án. Tại phiên tòa, công tố viên đại diện cho bên buộc tội, họ có quyền đưa ra chứng cứ và đề nghị xử tội bị cáo. Còn bên gỡ tội đưa ra chứng cứ đề nghị Tòa án xử vô tội hoặc giảm nhẹ. Sự thống nhất giữa hai mặt đối lập này trong tố tụng sẽ là chìa khóa để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Vai trò của Tòa án ở kiểu mô hình tố tụng tranh tụng rất thụ động. Chức năng xét xử không quan trọng. Họ có chức năng chủ yếu là trọng tài, là người cầm chịch để duy trì, ổn định phiên tòa. Họ có quyền thẩm vấn các nhân chứng nhưng quyền này rất ít khi các thẩm phán sử dụng. Bồi thẩm đoàn như một vị kháng giả nghiêm khắc, ông ta có nhiệm vụ xác định bị cáo có tội hay không. Kết quả tranh tụng giữa công tố viên, luật sư bào chữa sẽ phân định ai thắng, ai thua. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nghệ thuật hùng biện của bên buộc tội và bên gỡ tội. Tố tụng tranh tụng tạo điều kiện cho bên công tố vận dụng khả năng của mình để truy tố một người ra trước tòa, và cũng giành cho bên gỡ tội những điều kiện thuận lợi nhất để tự bào chữa cho mình. Quyền lực ở đây được sang sẻ, chia đều cho thẩm phán, luật sự, công tố viên và bồi thẩm đoàn. Thẩm phán chưa tiếp xúc tới hồ sơ vụ án mà chỉ biết tên tuổi của bị cáo mà thôi. Hồ sơ nằm trong tay công tố viên và các luật sư. Thời gian của các phiên tòa thường kéo dài bởi lẽ nhiều vấn đề cần được giải quyết trong việc điều tra vụ án, nhưng ở đây tất cả phải được trình bày và diễn ra tại phiên tòa.

Với những quy định, môi trường, cách thức tiến hành cũng như trình tự, thủ tục như vậy, vấn đề tranh tụng tại phiên tòa diễn ra gay gắt. ở đây một chứng cứ thuyết phục, liên quan đến vụ án chưa chắc đã thắng một cách lập luận loogic. Kiểu mô hình tố tụng này rất đề cao nghệ thuật hùng biện của các bên.

3. Tranh tụng trong kiểu mô hình tố tụng pha trộn.

Đây là kiểu mô hình tố tụng xuất hiện muộn, ra đời đầu tiên ở Pháp từ thời Napôliông vào năm 1808. Vì nó ra đời sau nên những nước áp dụng kiểu mô hình tố tụng này thường kết hợp được những ưu điểm của các kiểu mô hình tố tụng trước đó đồng thời loại bỏ những khuyết điểm và những hạn chế không phù hợp với điều kiện cụ thể của các quốc gia áp dụng này.

Ở nước ta, với những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, có thể thấy rằng chúng ta theo kiểu mô hình tố tụng này. Điều này theo chúng tôi là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thực trạng của chúng ta hiện nay. ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa thủ tục tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng. Việc nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ những người tiến hành tố tụng, các luật sư để đảm bảo vấn đề tranh tụng dân chủ, bình đẳng là hết sức cần thiết. Vai trò của Tòa án ở kiểu mô hình tố tụng này không phải là một trọng tài với chức năng xét xử bị lu mù như kiểu mô hình tố tụng tranh tụng cũng không phải là người quyết định tất cả mọi vấn đề. ở đây Tòa án là người cầm cân công lý. Với sự am hiểu pháp luật cộng với sự đối lập làm sáng tỏ lẫn nhau của bên buộc tội và bên gỡ tội. Trên cơ sở đó Tòa án đưa ra quyết định cuối cùng bằng một bản án. Theo các quy định của tố tụng hình sự Việt Nam qua các thời kỳ, truyền thống loại hình tố tụng hình sự của nước ta là tố tụng xét hỏi được bổ sung nhiều yếu tố ưu điểm của loại hình tố tụng tranh tụng.

Có thể thấy ở kiểu tố tụng pha trộn này, một mặt đề cao vai trò của Tòa án với chức năng xét xử, đồng thời coi trọng các chứng cứ, những lời tranh tụng của các bên buộc tội và gỡ tội đưa ra. Khi nói về chức năng xét xử của Tòa án trong tố tụng pha trộn này chúng ta thấy chức năng này xác định vị trí trung tâm và vai trò quyết định của Tòa án trong tranh tụng. Tòa án là người trọng tài cầm cân công lý để phân xử giữa các bên tham gia tranh tụng. Chính vì vậy mà việc tranh tụng có khác biệt giữa các kiểu mô hình tố tụng khác nhau. Sự khác nhau này thể hiện được bản chất của mỗi nhà nước.

Từ các mô hình tranh tụng trong tố tụng hình sự vừa giới thiệu, theo chúng tôi, ể áp dụng thì phải lựa chọn ra những ưu điểm tốt nhất đồng thời loại bỏ những hạn chế giữa các kiểu mô hình tố tụng khác nhau và kết hợp một cách nhuần nhuyễn nhất các ưu điểm thì chất lượng tranh tụng tại phiên tòa cũng như chất lượng của các phán quyết sẽ được nâng cao.

Tác giả bài viết: Ngô Văn Khôi – TAND huyện Phú Ninh

X