Tìm hiểu để xem xét áp dụng án treo theo quy định tại phần chung của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và những đề xuất, kiến nghị

Khi có những quy định đảm bảo chặt chẽ về mặt cơ sở pháp lý, án treo giúp người bị kết án tự tu dưỡng, rèn luyện, hối cải về những việc làm sai trái của mình. Thời gian thử thách của án treo cũng là thước đo sự tiến bộ của người bị kết án trong cộng đồng và được sự giúp đỡ tích cực của xã hội cũng như của gia đình. Tìm hiểu để áp dụng đúng những quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về án treo giúp phát huy tối đa tính tích cực của chế định này.

Sự ra đời và phát triển của pháp luật nước ta qua các thời kỳ đều thể hiện tính nhân đạo. Ðiều đó còn thể hiện được truyền thống của dân tộc ta. Tiếp thu và phát triển truyền thống quý báu đó, Nhà nước ta hiện nay đang xây dựng hệ thống pháp luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Một trong những đạo luật thể hiện rõ điều đó là Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cùng với các quy định xử lý giàu tính nhân đạo như: đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với người già, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ,…. là quy định về chế định án treo. Trong suốt quá trình lập pháp luôn có những sửa đổi, bổ sungcác quy định về án treo ngày càng chặt chẽ hơn nhằm phát huy tối đa tính nhân đạo, tính tích cực của nó.

Trong những năm gần đây, việc áp dụng án treo vì những nguyên nhân khách quan, chủ quan mà còn xảy ra những sai sót nên không phát huy hết tác dụng của án treo, đồng thời giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chế định này. Do vậy, khi xem xét cho người bị kết án hưởng án treo, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc xem xét, đánh giá các tình tiết. Đồng thời phải có niềm tin nội tâm rõ ràng, dứt khoát vào việc lựa chọn của mình đối với các quy định của pháp luật để áp dụng cho từng người bị kết án cụ thể. Phải đảm bảo sự tin tưởng tuyệt đối, khách quan của mình vào việc lựa chọn các quy định pháp luật về án treo. Cụ thể cơ bản theo chúng tôi khi áp dụng cần chú ý:

  • Đánh giá và áp dụng đúng các điều kiện để người bị kết án được hưởng án treo;
  • Tuyên mức án và thời gian thử thách đúng quy định;
  • Niềm tin nội tâm đối với môi trường sống và khả năng cải tạo (thái độ) của người được hưởng án treo.
  • Tổ chức giám sát chặt chẽ việc thi hành án treo.

Những quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về án treo hết sức cụ thể như sau:

1. Quy định của BLHS năm 2015 sửa đổi,bổ sung năm 2017 về án treo:

Theo khoản 1 Điều 65 BLHS: “Khi xử phạt tù không quá 3 năm căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo”. Như vậy, để được hưởng án treo, người phạm tội phải có những điều kiện sau đây:

– Mức phạt tù không quá 3 năm, tức là mức phạt tù mà Tòa án áp dụng cho người phạm tội nằm trong giới hạn không quá 3 năm. Đây là điều kiện có tính tiên quyết làm cơ sở để xem xét các điều kiện khác. Khi mà người phạm tội không thỏa mãn điều kiện này thì Tòa án không cần phải đánh giá các điều kiện tiếp để cân nhắc xem xét việc cho hưởng án treo.

– Người phạm tội có nhân thân tốt. Đánh giá điều kiện về nhân thân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cho hưởng án treo bởi điều kiện này giúp chúng ta nhận biết được người phạm tội có thể tự cải tạo, giáo dục trong môi trường bình thường hay cần phải cách ly mới cải tạo, giáo dục được.

– Người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, là người phạm tội phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên được quy định tại Điều 51 BLHS. Lý luận và thực tiễn áp dụng án treo đều cho thấy sẽ khó đạt được mục đích cải tạo giáo dục người phạm tội và phòng ngừa tội phạm trong áp dụng án treo khi người phạm tội không có thái độ thành thật hối cải, thừa nhận sai trái trong hành vi của mình. Dù nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, mức án không quá 3 năm song người phạm tội không thành thật hối lỗi thì theo chúng tôi sẽ không đảm bảo việc người phạm tội sẽ không thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật hình sự như đã thực hiện. Vì vậy, cần quy định tình tiết người phạm tội ăn năn hối cải là tình tiết giảm nhẹ bắt buộc khi xem xét cho hưởng án treo.

– Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù. Không cần thiết bắt chấp hành hình phạt tù ở đây có nghĩa là nếu không cần phải chấp hành hình phạt tù, không cần phải cách ly người phạm tội thì cũng có thể cải tạo, giáo dục được, không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt tù của người được hưởng án treo là người đó không cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ hai lần trở lên và không phạm tội mới trong thời gian thử thách với bất kỳ loại tội nào và hình thức lỗi nào. Nội dung điều kiện thử thách của án treo là thước đo về mặt pháp lý tính tích cực cải tạo, giáo dục của người được hưởng án treo trong môi trường xã hội. Nếu tuân thủ một cách nghiêm túc các điều kiện này, người bị kết án sẽ được xem xét miễn chấp hành hình phạt tù và cho hưởng án treo. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm điều kiện của án treo được quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS: Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự hai lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, còn nếu người được hưởng án treo phạm tội mới thì người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt của bản án tù mà Tòa án đã cho hưởng án treo và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS.

2. Đánh giá điểm mới của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về án treo

Điểm mới cơ bản nhất của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về án treo là điều kiện của án treo và hậu quả pháp lý khi vi phạm điều kiện của án treo. BLHS năm 2015 bổ sung một trong những điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt tù của người được hưởng án treo theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS. Người được hưởng án treo không cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự từ hai lần trở lên và không phạm tội mới trong thời gian thử thách với bất kỳ loại tội nào và hình thức lỗi nào. Quy định điều kiện không cố ý vi phạm nghĩa vụ của án treo từ hai lần trở lên là quy định lần đầu tiên được ghi nhận trong BLHS. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần phải xác định cụ thể một số nghĩa vụ thể hiện tính tích cực, tự giác trong cải tạo giáo dục vì theo Điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì nghĩa vụ của người được hưởng án treo phải chấp hành còn quá nhiều, hơn nữa còn nhiều nghĩa vụ quy định chung chung, ít khả thi và thiếu định lượng rõ ràng:

Điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định “Nghĩa vụ của người được hưởng án treo:

1. Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

2. Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục.

3. Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.

4. Ba tháng một lần trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó”.

Vì vậy, nên giới hạn các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2010, vì đây là những nghĩa vụ có định lượng rõ ràng và đảm bảo việc giám sát về tính tích cực việc tự giáo dục và cải tạo người phạm tội.

3. Những kiến nghị, đề xuất: 

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi có những kiến nghị, đề xuất tới Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi có hướng dẫn liên quan đến chế định án treo cần làm rõ các vấn đề sau để quá trình áp dụng pháp luật được thống nhất:

– Cần hướng dẫn quy định tình tiết người phạm tội ăn năn hối cải là tình tiết giảm nhẹ bắt buộc trong điều kiện có nhiều tình tiết giảm nhẹ khi xem xét cho hưởng án treo.

– Cần hướng dẫn xác định cụ thể một số nghĩa vụ thể hiện tính tích cực, tự giác trong cải tạo giáo dục có tính định lượng rõ ràng và nên giới hạn các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 64 Luật thi hành án hình sự năm 2010 làm cơ sở đánh giá, áp dụng.

Tác giả bài viết: Ngô Văn Khôi – TAND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam

X