Tọa đàm: Rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử án tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực đất đai

Thực hiện công tác thi đua năm 2016, vào ngày 28 tháng 6 năm 2016, Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh xây dựng kế hoạch Tọa đàm – Giao lưu rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử án tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Ðến tham dự buổi Tọa đàm – Giao lưu, về phía tỉnh có Ð/c: Nguyễn Thị Hòa: Chánh Tòa dân sự TAND tỉnh Quảng Nam. Về phía huyện có Ð/c Nguyễn Ðạo: Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Các Ð/c Lãnh đạo các Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Phú Ninh, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn huyện Phú Ninh, Thanh tra huyện Phú Ninh, Tài nguyên Môi trường, phòng Kinh tế Hạ tầng huyện; Ð/c Phạm Ðăng Anh: Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Ninh, Ð/c Ðinh Tấn Long: Phó Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ, Ðại diện Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Phú Ninh, Phóng viên Ðài truyền thanh truyền hình huyện Phú Ninh…

Ðánh giá kết quả công tác giải quyết, xét xử án dân sự liên quan đến lĩnh vực đất đai trong 10 năm (từ 2005 đến 2015), Ð/c Trình Minh Hùng – Chánh án tóm tắt sơ lược kết quả công tác giải quyết án, nêu lên những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, với các nội dung:

Ngày 01 tháng 03 năm 2005 Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh được thành lập theo Nghị định số 01/2005/NÐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ để thành lập thành phố Tam kỳ và huyện Phú Ninh. Diện tích đất tự nhiên huyện Phú Ninh 251km2, được hình hình thành bởi hai vùng: vùng miền núi trung du và vùng đồng bằng. Sau khi thành lập, trên địa bàn huyện chỉ có vài con đường nhựa nhưng đã xuống cấp, đường giao thông nông thôn đến các xã hầu hết là đường đất đi lại rất khó khăn. Ðến thời điểmhiện nay hệ thống giao thông đường nhựa đến trung tâm 10 xã, đườnggiao thông nông thôn được bê tông hóa đến các thôn. Huyện có 10 xã và 01 thị trấn, dân số khoảng 85.000 người, phần lớn là lao động nông nghiệp, trồng rừng, tình trạng hiểu biết và chấp hành pháp luật trong một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập với kinh tế thị trường, quan hệ đất đai ngày càng trở nên phức tạp. Hằng năm, các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai xảy ra nhiều và có chiều hướng gia tăng. Việc giải quyết các tranh chấp đất đai vô cùng khó khăn và phức tạp. Trong 10 năm qua TAND huyện Phú Ninh giải quyết số lượng lớn án tranh chấp đất đai, qua công tác giải quyết án đạt được kết quả nhất định, kinh nghiệm, kỹ năng trong chỉ đạo, giải quyết, xét xử các loại án liên quan trên lĩnh vực đất đai của lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký trong đơn vị được đúc kết, nâng cao đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp.

Từ năm 2005 đến năm 2015: Tổng số án tranh chấp dân sự thụ lý tại TAND huyện Phú Ninh là: 579 vụ, 06 việc, đã giải quyết 560vụ, 06 việc. Trong đó: xét xử 180 vụ, hòa giải thành 268 vụ, đình chỉ là 104 vụ, chuyển hồ sơ là 02 vụ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án là 06 vụ, giải quyết việc dân sự là 06 việc. Trong số án thụ lý có án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất là 130 vụ, Ðã giải quyết:  là 122 vụ. Quan hệ tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp quyền sử dụng đất bị chiếm, lấn chiếm, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng thuê đất, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ giao đất, tranh chấp lối đi,… Ða số các vụ án đều được thụ lý giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, đúng thời hạn luật định, đáp ứng đầy đủ quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, trong 10 năm qua trong công tác lãnh đạo, giải quyết, xét xử vẫn còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc và có nhiều hạn chế, chất lượng án không cao, án bị kéo dài quá hạn luật  định, án bị hủy, bị cải sửa chiếm tỉ lệ cao.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm – Giao lưu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế như:

– Tình trạng án bị hủy, cải sửa và án kéo dài, tồn đọng còn nhiều.

– Công tác phối hợp với ủy ban nhân nhân các cấp và các cơ quan liên quan có lúc, có nơi chưa tốt.

– Công tác phối hợp tổ chức thẩm định, định giá tài sản, đo đạc  xác định ranh giới, tứ cận còn sai sót, không chính xác, dẫn đến việc tuyên nội dung không đúng, không đầy đủ.

– Còn có Thẩm phán, Thư ký tinh thần trách nhiệm chưa cao, còn chủ quan trong việc giải quyết án, việc nắm bắt, vận dụng, áp dụng pháp luật chưa đúng, không đầy đủ.

Và nêu ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục:

– Nguyên nhân:

+ Việc thu thập chứng cứ đối với án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ các đương sự không nộp nhưng đến phiên tòa các đương sự mới cung cấp hoặc để đến phiên tòa phúc thẩm mới cung cấp nên dẫn đến án tồn đọng, hủy, cải sửa. Nhiều vụ án tại đơn vị khi ra phiên tòa các đương sự mới yêu cầu thẩm định, định giá tài sản, trưng cầu giám định, yêu cầu người làm chứng nên buộc Tòa án phải hoãn phiên tòa. Các đương sự không hợp tác trong việc thẩm định, định giá tài sản, không phối hợp với Tòa án trong quá trình giải quyết án kể cả nguyên đơn. Việc giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai phụ thuộc nhiều vào các cơ quan chuyên môn và chính chính quyền địa phương nên Tòa án luôn nằm trong thế bị động.

+ Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền không đúng với quy định của pháp luật như cấp sai đối tượng, đất được cấp không có ranh giới mốc giới cụ thể, có sơ đồ bản vẽ kèm theo nhưng không đúng với thực địa, diện tích cấp đất trên giấy chênh lệch khác xa so với thực tế, nhiều khi hợp thức để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số cơ quan liên quan chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm theo qua định của pháp luật tố tụng, không thực hiện tốt nghĩa vụ của đơn vị khi Tòa án có yêu cầu phối hợp.

+ Ðất tranh chấp phần lớn là đất rừng, đồi núi, địa hình không bằng phẳng, ranh giới không rõ ràng, trước đây là vùng sâu vùng xa giao thông đi lại không thuận tiện, giá trị đất thấp, hiệu quả sản xuất không cao nên việc quản lý, sử dụng của người được giao đất chưa được quan tâm đúng mức, nay đường giao thông được đầu tư xây dựng, thuận tiện cho việc đi lại sản xuất, giá trị đất tăng nên xảy ra tranh chấp.

+ Sự bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật, nhiều quy định của luật không rõ ràng, còn chung chung, áp dụng pháp luật sai dẫn đến án bị hủy, cải sửa.

+ Lỗi chủ quan của Thẩm phán, Thư ký. Một số cán bộ công chức không tập trung trong công tác giải quyết án, còn giải quyết án theo kinh nghiệm của bản thân, làm việc không có tính khoa học, chưa chịu tập trung nghiên cứu các văn bản pháp luật, còn xem nhẹ thời hạn giải quyết án, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi đưa ra xét xử của một số Thẩm phán, Thư ký còn sơ sài, chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng. Năng lực của một số cán bộ công chức còn yếu nhưng không có sự đầu tư nghiên cứu, trau dồi, học hỏi mà bằng lòng với bản thân, một số cán bộ công chức còn thụ động trong cách làm việc, chưa chủ động tham mưu cho Lãnh đạo, Thẩm phán. Ngoài ra, với quy định Thẩm phán là người chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các vụ án nên nhiều Thư ký còn phó mặc cho Thẩm phán giải quyết án trong khi trình độ, thời gian công tác của các Thư ký gần như tương đương với Thẩm phán.

+ Ða số các cán bộ công chức trong cơ quan là nữ nên cũng khó khăn cho cơ quan trong việc phân công giải quyết các vụ án ở địa bàn xa như Tam Lãnh, Tam Lộc, Tam Ðại. Một số cán bộ công chức nữ trong thời kỳ thai sản, thường xuyên luân phiên nghĩ thai sản nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc.

– Giải pháp khắc phục:

Lãnh đạo cơ quan phải xem công tác giải quyết án dân sự là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra đối với các Thẩm phán, Thư ký được phân công giải quyết vụ án dân sự, nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Thư ký đối với từng vụ án cụ thể. Thẩm phán giải quyết án phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình thu thập chứng cứ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn khác như Phòng Tài nguyên môi trường, cơ quan thẩm định, định giá, giám định…để thu thập được chứng cứ có độ chính xác cao nhằm phục vụ cho việc giải quyết án. Thẩm phán phải thường xuyên đầu tư, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, tiếp cận kịp thời các văn bản pháp luật, nghiên cứu kỹ lưỡng các vụ án trước khi đưa ra xét xử, phải lường trước các tình huống có thể xảy ra đối với từng vụ án. Nâng cao trách nhiệm của Thư ký, Thư ký cũng phải liên đới chịu trách nhiệm cùng với Thẩm phán giải quyết án nếu có sai sót xảy ra.

– Lãnh đạo phải thường xuyên theo dõi đến tiến độ, chất lượng giải quyết từng vụ án cụ thể của các Thẩm phán. Sau khi phân đơn cho Thẩm phán yêu cầu các Thẩm phán phải lập kế hoạch cụ thể đối với từng vụ án, trước khi đưa vụ án ra xét xử yêu cầu các Thẩm phán phải có bản án dự thảo và trình bày những vướng mắc của vụ án để đưa ra tập thể Thẩm phán bàn bạc. Lãnh đạo kiểm tra bất thường đối với Thẩm phán, Thư ký sau khi phân đơn để biết tiến độ giải quyết của từng vụ án. Lãnh đạo đề nghị cấp trên kiểm tra đối với các vụ án do các Thẩm phán thụ lý nhưng để lại quá lâu mà không giải quyết, tránh các trường hợp án để kéo dài nhiều năm như các vụ án chúng ta đã giải quyết trước đây.

– Các Thẩm phán, Thư ký phải thường xuyên theo dõi các báo cáo tổng kết rút kinh nghiệm giải quyết án của Phòng giám đốc kiểm tra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, tham khảo các án lệ của Tòa án nhân dân Tối cao, xem lại các sai sót của mình và của các đơn vị khác để làm bài học kinh nghiệm cho mình trong quá trình giải quyết án.

– Đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cán bộ công chức, khen thưởng, động viên kịp thời đối với các Thẩm phán, Thư ký làm được những vụ án phức tạp và phê bình thẳng thắn đối với các cán bộ công chức khi được giao công việc nhưng vì chủ quan mà không hoàn thành công việc được giao.

– Trang bị đầy đủ các văn bản pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác giải quyết án dân sự và ấn định thời gian cố định tổ chức các buổi trao đổi kiến thức pháp luật giữa các Thẩm phán, Thư ký với nhau.
Tại buổi Tọa đàm – Giao lưu nhiều đại biểu báo cáo tham luận, nêu ý kiến trao đổi với nhiều nội dung phong phú, xin đề cập một vài ý kiến của các đại biểu:

– Ý kiến đồng chí Ðinh Tấn Long: Ðánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi Tọa đàm – Giao lưu nhằm thảo luận để tìm ra giải pháp giải quyết nhanh, có hiệu quả những vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Ð/c cũng trăn trở với những vướng mắc đã nêu, đồng thời chia sẻ những điểm cần lưu ý như: Cần có chỉ đạo làm tốt hơn nữa chất lượng hòa giải ở cơ sở, khi giải quyết những vụ án loại này phải chú ý đến lợi ích của người thứ 3 như: người sử dụng nhà, đất khi đã thế chấp tại Ngân hàng nhưng họ vẫn hợp đồng cho thuê quảng cáo, trụ làm ăng-ten,…, công tác cử người tại các phòng ban liên quan của cấp huyện tại các buổi định giá, thẩm định phải là những người có chuyên môn, đồng chí cũng nêu các vụ án phức tạp như: đương sự không hợp tác, cố thủ, không chịu mở cửa trong các buổi xem xét, thẩm định, định giá tài sản,…mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp cứng có, mềm mỏng có, phối hợp lên phương án với các cơ quan liên quan cũng có nhưng vẫn không thực hiện được việc xem xét, thẩm định, định giá. Không thực hiện được những thủ tục tố tụng trên thì không giải quyết được toàn diện vụ án? Một vướng mắc khác là: Ðịnh giá theo giá thị trường. Trong trường hợp Cơ quan có chức năng định giá theo giá thị trường họ trả lời tại vị trí tranh chấp đó, trong nhiều năm liền không có giao dịch về đất nên họ không thể định giá theo giá thị trường được. Trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào giá đất Nhà nước quy định để xét xử có được không?… Ðồng chí còn nêu ra những giải pháp của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ là: Phát huy tối đa nội lực của Thẩm phán, Thư ký tại đơn vị. Ðồng thời Lãnh đạo, Thẩm phán thường xuyên đăng ký làm việc với Thường trực UBND cùng cấp để công tác chỉ đạo phối hợp thực hiện được kịp thời,….

– Ý kiến đồng chí Phạm Ðăng Anh: Ðồng chí hoan nghênh sáng kiến tổ chức buổi Tọa đàm – Giao lưu nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực liên quan đến đất đai phức tạp này. Ð/c cũng đề nghị UBND huyện có sự chỉ đạo sát hơn nữa về việc cung cấp thông tin, hồ sơ địa chính và trả lời công văn cho Tòa án được sớm hơn. Ðồng thời đồng chí cũng đề nghị giữa Tòa án và UBND, các phòng ban liên quan cần có quy chế phối hợp cụ thể về trách nhiệm của mỗi bên để công việc chung được thuận lợi hơn,…

– Ý kiến đồng chí Nguyễn Ðạo: Cảm ơn Tòa án đã có sáng kiến hay là tổ chức buổi Tọa đàm – Giao lưu để UBND huyện, các phòng, ban liên quan có dịp ngồi lại tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện công việc. Bản thân của Ð/c rất tâm đắc với công việc của Tòa án và mong muốn có sự phối hợp tốt nhất để mang lại lợi ích cho dân, góp phần xây dựng huyện nhà ngày càng vương lên, hoàn thành tốt hơn mọi nhiệm vụ. Ð/c là người có nhiều năm công tác tại Phòng địa chính, Phòng Tài nguyên Môi trường nhưng cũng thừa nhận lĩnh vực đất đai là lĩnh vực hết sức phức tạp, có nhiều sai sót trước đây, trong đó có nguyên nhân: Nhiều cơ quan tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Phòng địa chính; chức năng của các cơ quan này chồng chéo nhau; cán bộ đo đạc được tập huấn chưa kỹ, chưa thường xuyên; văn bản hướng dẫn nhiều, thay đổi thường xuyên, có những siêu Nghị định nên việc nghiên cứu áp dụng còn chưa thống nhất. Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm – Giao lưu đồng chí tháo gỡ những vướng mắc không chỉ Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh gặp phải mà hầu như các Tòa án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng gặp khó khăn, cụ thể: Ð/c nêu lên chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, trong đó có nhiệm vụ: tham mưu cho UBND huyện trả lời văn bản của Tòa án, tham mưu về quan điểm giải quyết của UBND huyện. Văn phòng Ðăng ký đất đai phối hợp cùng Tòa án đo đạc, cung cấp hồ sơ đang quản lý. UBND xã xác định nguồn gốc đất. Phòng Kinh tế Hạ tầng, Phòng Tài chính Kế hoạch phải cử người có chuyên môn tham gia định giá, thẩm định cùng Tòa án. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì chủ động liên hệ trước để cùng nhau tháo gỡ. Ðặc biệt Ð/c nhấn mạnh: Ðối với những vụ án thuộc trường hợp xét thấy cần thiết Tòa án thành lập Hội đồng định giá, thẩm định, đo đạc thì dù có dùng máy móc để đo đạc cũng không thu tiền lệ phí. Trước đây có lúc các Phòng, ban chưa phối hợp tốt với Tòa án thì thời gian tới sẽ chấn chỉnh, đồng thời Ð/c cũng mong muốn giữa Tòa án và UBND huyện xây dựng được với nhau quy chế phối hợp trong công việc để mỗi bên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

– Ý kiến đồng chí Nguyễn Thị Hòa: Ðánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi Tọa đàm – Giao lưu để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình giải quyết án, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ð/c nêu giải pháp khắc phục những sai sót như: Phải xác định đúng yêu cầu khởi kiện của đương sự, xem xét chứng cứ đương sự cung cấp có đúng với yêu cầu khởi kiện đó hay không, xem xét tính pháp lý của chứng cứ được cung cấp, khi lập biên bản giao nhận chứng cứ phải cẩn thận, đúng với chứng cứ đã nộp; trong quá trình giải quyết án liên quan đến lĩnh vực đất đai phải phối hợp với UBND cấp huyện, các Phòng, ban chuyên môn cho tốt, cần liên hệ trước trong công việc; Ðối với việc xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc thì phải xác định, định vị cho được vị trí nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với đất và thể hiện trong biên bản; Ðối với những vụ án đã định giá tài sản tranh chấp nhưng đã hơn 1 năm thì phải tiến hành định giá lại theo quy định; Cần tổ chức rút kinh nghiệm đối với những vụ án đã bị hủy, cải sửa, nắm vững các văn bản pháp luật liên quan, đọc kỹ và áp dụng Quyết định giám đốc thẩm, các báo cáo rút kinh nghiệm của Tòa án cấp trên; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, có định hướng đúng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được tại buổi Tọa đàm – Giao lưu thì cũng còn những vấn đề kiến nghị với UBTP Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam hướng dẫn để áp dụng chung, thống nhất như:

– Việc không đương sự nào yêu cầu định giá theo giá thị trường hay trường hợp Cơ quan có chức năng định giá theo giá thị trường có văn bản trả lời là tài sản, đất tranh chấp không thể định giá theo giá thị trường được thì có căn cứ vào giá Nhà nước quy định để giải quyết vụ án được không?

– Ðương sự không hợp tác, chống đối, cố thủ dẫn đến không xem xét thẩm định tại chỗ, không định giá tài sản được mặc dù đã có rất nhiều biện pháp, giải pháp thực hiện nhưng không thành thì phải giải quyết như thế nào?
Trên đây là tóm lược nội dung, kết quả tại buổi Tọa đàm – Giao lưu rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử án tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực đất đai tại TAND huyện Phú Ninh chia sẻ cùng Quý đồng nghiệp, cũng như Quý bạn đọc.

Tác giả bài viết: Trình Minh Hùng – Ngô Văn Khôi: TAND huyện Phú Ninh

X